6 "món ngon" truyền thống ít người dám thử ở Hàn Quốc

Bạch tuộc sống, súp xác thối, cá dương vật… là những “món ngon” truyền thống ở Hàn Quốc nhưng không phải thực khách nào cũng dám thử.

Odori Don (bạch tuộc sống)


Người Nhật gọi món này là Sannakji còn người Hàn Quốc gọi là Odori Don. Những con bạch tuộc nhỏ tươi sống được cắt thành từng miếng hoặc để nguyên cả con cho lên đĩa trộn với gia vị và dầu mè xong rồi… xơi luôn. Những người ăn nó cho rằng sự hấp dẫn của món này ở cảm giác khi nhai. Các xúc tu của chúng quằn quại trong miệng, thậm chí các giác hút trên đó đôi thi còn bám chặt vào lưỡi. Tuy nhiên, không phải bữa ăn nào cũng suôn sẻ, súc tu bạch tuộc có thể dính vào họng, khiến thực khách tử vong vì ngạt thở.

Boshintang (lẩu thịt chó)


Khi tới Hàn Quốc, không ít người sẽ hoảng hốt với món lẩu thịt chó Boshintang. Món ăn này cũng thịnh hành ở Việt Nam vào những ngày cuối tháng với quan niệm xua đuổi những điều xui xẻo trong tháng.

Gejang (cua sống)


Những con cua cỡ nhỏ này không được nấu chín trước khi ăn, mà chỉ ngâm trong nhiều loại nước sốt để ăn sống. Có loại cua nhỏ vỏ mềm để bạn có thể ăn cả vỏ.

Gaebul (cá dương vật)


Gaebul là một động vật biển thân mềm. Lúc ăn, chúng sẽ được cắt thành những miếng vừa phải, vẫn còn ngọ nguậy trên đĩa. Dù hình dáng có vẻ kỳ lạ, Gaebul rất ngon và an toàn hơn món bạch tuộc sống.

Cheonggukjang (súp xác thối)


Loại súp được làm từ đậu nành mới lên men và có mùi rất khó chịu. Thậm chí có chuyện rằng một nhà nấu món súp này và nhà hàng xóm đã gọi cảnh sát vì thấy có mùi như mùi xác thối bốc ra. Món súp Cheonggukjang trên thực tế rất ngon, nếu bạn đủ can đảm bỏ qua mùi của nó.

Hongeo (cá đuối lên men)


Món này rất nặng mùi và cay, không phải ai cũng đủ can đảm để nếm thử. Lần đầu, bạn sẽ không thích món Hongeo, nhưng sau khoảng 10 lần thì bạn sẽ bắt đầu thấy thèm.
Read more…

Quà dễ thương ăn ngon cho gấu trong ngày "valentine trắng - 14/3"

Là một người nam nhân bạn hãy trổ tài và thể hiện tình cảm của mình để đáp trả tình yêu của các nàng trong ngày Valentine đỏ vừa qua bằng những món quà ngon, dễ thương và ngọt ngào trong ngày Valentine Trắng sắp tới 14/3. Các chàng sẽ là người yêu tuyệt vời, ngọt ngào và ấm áp với các nàng bằng việc chuẩn bị những món quà tự tay bạn làm ra đó nhé!


Vì tình yêu luôn mới mẻ mỗi ngày, người ta dường như yêu nhau nhiều hơn sau những giấc mơ dịu dàng, nên một ngày Valentine dường như là không đủ. Bởi vậy, từ đất nước mặt trời mọc, một ngày lễ Tình nhân nữa ra đời và nhanh chóng được các bạn thanh niên đón nhận, đó là ngày Valentine trắng.

Ý nghĩa ra đời ngày Valentine trắng


Vào năm 1965 tại Nhật, một chàng trai bán kẹo dẻo muốn đáp trả lại tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ mình hôm Valentine Đỏ nên đã làm tặng nàng một hộp kẹo thật bự, trắng như tuyết. Đó cũng chính là sự tích Ngày Trắng. Đến ngày nay, Ngày Trắng dần được mọi người “chuyển thể” lại thành White Valentine, White day, Ngày đáp trả. Trong ngày này, không còn gì ý nghĩa hơn là việc bạn sẽ đáp trả lại người con gái đã yêu mến mình trong suốt thời gian qua bằng những món quà hoặc lời nói thật cảm động, dễ thương và chân thành. Và bật mí nếu bạn tự tay làm những món ăn ngon, dễ thương làm quà tặng thì bạn gái nhận được món quà đó sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm nhé, bởi một người con trai có thể tự tay vào bếp làm đò ăn cho người mình yêu thì điều đó thể hiện bạn thật sự rất ấm áp và biết quan tâm, đó là điều mà bao nàng ấp ủ nhận được từ người yêu thương. 

Quà ăn ngon dễ thương cho nàng các chàng nên tham khảo

Đầu tiên bạn có thể lựa chọn những món bánh ngon dễ làm và hết sức dễ thương ngọt ngào tặng nàng. Bánh ngọt sẽ làm tăng vị ngọt chính trong tình yêu của bạn và người ấy.


Bánh cupcake dễ thương tặng nàng



Bánh Cooki trái tim cho valentine trắng thêm lãng mạn không kém valentine đỏ

Bạn cũng có thể tự làm những hộp cơm bento cùng món ăn ngộ nghĩnh dễ thương cho nàng nếu bạn và nàng đã có một khoảng thời gian tìm hiểu nhau 


Cơm bento ngon ấm bụng thể hiện tình yêu cùng nàng


Bánh mì trứng trái tim ngọt ngào

Bạn cũng có thể tự mình thiết kế những hộp quà, những chiếc gối xinh xinh tặng nàng, Với những món đồ tự tay bạn làm ra sẽ là món quà ý nghĩa được mong đợi nhất với các nàng gấu đáng yêu của chúng ta đấy nhé!. 


Chúc các cặp đôi có một Valentine Trắng thật hạnh phúc, ngọt ngào và ấm áp!
Read more…

Mẹo làm sạch tai heo cực kì đơn giản

Tai heo thường được dùng để chế biến các món như: ngâm giấm, bóp gỏi, luộc, làm giò… Dưới đây là các mẹo đơn giản để làm sạch tai heo.


1. Dùng giấm hoặc chanh

Dùng dao tách bỏ phần thịt xung quanh đáy tai. Sau đó xát muối + giấm hoặc muối + chanh mạnh tay vào phần đáy tai để làm mất mùi hôi, rửa lại thật sạch bằng nước. Cuối cùng, hòa một ít giấm hoặc chanh vào nước, cho tai heo vào ngâm khoảng 10 phút. Vớt ra để ráo, đảm bảo lỗ tai heo của bạn vừa sạch vừa trắng.


Xát muối + giấm hoặc muối + chanh mạnh tay vào phần đáy tai để làm mất mùi hôi, rửa lại thật sạch bằng nước

2. Dùng bột

Có thể làm sạch lỗ tai heo của bạn bằng bột như bột mì hay bột năng đều được. Đổ bột lên lỗ tai heo, chà xát mạnh tay. Khi nào xuất hiện một lớp bọt thì dùng dao cạo lớp bọt này đi. Làm nhiều lần, sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Lỗ tai heo sẽ rất sạch.

3. Dùng phèn chua

Chỉ với một cục phèn chua nhỏ bạn có thể làm sạch lổ tai heo nhanh chóng. Ngâm cục phèn chua vào trong nước, sau đó thả nguyên lỗ tai heo vào, ngâm khoảng 5 – 10 phút rồi dùng dao làm sạch. Cuối cùng ngâm lỗ tai heo vào chậu nước có pha muối loãng, cạo lại một lần nữa rồi rửa lại bằng nước lạnh. Lỗ tai heo của bạn cũng sẽ sạch, trắng.

4. Muối và nước khế


Đổ một ít nước khế lên tai heo rồi dùng dao cạo sạch phần da bẩn. 

Bạn chỉ cần dùng một ly nhỏ nước khế và một nắm muối là có thể làm sạch tai heo nhanh chóng. Đổ một ít nước khế lên tai heo rồi dùng dao cạo sạch phần da bẩn. 

Tiếp tục dùng muối chà xát lên tai heo và rửa sạch bằng nước lạnh.

5. Dùng nước gạo hoặc nước dưa chua

Ngâm tai heo vào trong nước vo gạo hoặc nước dưa chua để khoảng 5 - 10 phút rồi dùng dao cạo sạch. 

Cắt nửa quả chanh chà lên tai heo rồi dùng dao cạo lại lần nữa.

Chúc các bạn thành công!
Read more…

Những món nộm thơm ngon, hấp dẫn cho bạn

Nộm là món ăn được nhiều người yêu thích, với hương vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay... Là món ăn phổ biến xuất hiện trong bữa cơm mối gia đình. Sau đây Womantoday xin giới thiệu cùng bạn 7 món nộm thơm ngon hấp dẫn.

1. Nộm thịt bò chua cay

Món nộm với thịt bò mềm, vị đậm đà chua cay xen kẽ với vị thơm của rau, sả và các loại rau củ sẽ giúp cho bạn cảm nhận được hương vị mới đầy hấp dẫn, Với món "nộm thịt bò chua cay" sẽ làm gia đình bạn thích mê cho mà coi.


Nguyên liệu:

- 300g thịt bò mềm
- 1 củ cà rốt
- 1 quả dưa leo
- 1/4 củ hành tím
- 1 thìa nhỏ thính
- 1 cây sả
- Muối, đường, nước mắm, ớt quả, tỏi, chanh, giấm
- Củ kiệu ngâm chua ngọt, rau thơm, tỏi phi, lạc, vừng.

2. Nộm lưỡi lợn và ngó sen

Khác với nộm thịt bò chua cay với nộm lưỡi lợn và ngó sen sẽ tạo cho bạn hương vị khác vơi lưỡi lợn giòn giòn, được trộn với ngó sen và cà rốt, quyện với mùi thơm của rau quế, rau thơm, cay nồng của ớt.


Nguyên liệu:

- 1/2 cái lưỡi lợn vừa ăn
- 200g ngó sen chua ngọt
- 1 củ cà rốt nhỏ
- Nước mắm, ớt quả, đường, chanh hoặc giấm, muối và ớt bột
- Rau quế, rau thơm
- Bánh phồng tôm.

3. Nộm nấm chua thanh

Với nguyên liệu chính là nâm, món nộm nấm đơn giản, dễ chế biến, nấm ngon, giòn sần sật, dùng làm món chay hay mặn đều ngon.


Nguyên liệu:

- 600 g nấm bào ngư hay nấm mối
- 1/2 củ hành tây
- Rau răm, muối, đường, chanh, nước mắm, tỏi, ớt quả, giấm, hạt tiêu.

4. Nộm xoài xanh tôm khô

Gắp một miếng xoài chua, lẫn vài con tôm khô đậm đà gia vị, kèm với bánh đa hay bánh phồng tôm, đều ngon. Dùng làm món nhậu cho ông xã thì còn gì hơn nữa.


Nguyên liệu:

- 1 quả xoài xanh
- 100g tôm khô (có thể làm nhiều để dùng dần)
- Củ kiệu chua ngọt
- Nước mắm, đường, tỏi, dầu điều, muối, hạt nêm
- Rau răm
- Có thể thêm lạc rang hay hành phi lên bề mặt.

5. Nộm hến trộn hoa chuối

Nộm hến trộn hoa chuối chắc hẳn vẫn còn xa lạ với nhiều người bạn hãy thử đổi vị với món nộm này nhé! Món nộm với vị ngọt thơm của hến, quyện với giòn giòn của hoa chuối và lạc, vừng rang thơm được nhiều người yêu thích.


Nguyên liệu:

- 1 cái hoa chuối tầm 250g
- 200g thịt hến
- 1 củ cà rốt
- Chanh, giấm, đường, nước mắm, rau răm, hành khô, hành lá, muối, hạt nêm
- Lạc, vừng rang thơm
- Bạn có thể thêm bì thái sợi hay thịt ba chỉ vào món nộm.

6. Gỏi đu đủ trộn tai heo

Món gỏi đu đủ trộn tai heo là món ăn rất quen thuộc với mỗi gia đình nhưng món gỏi vẫn là món ăn khoái khẩu của nhiều người với vị chua chua, tai heo giòn sần sật ăn kèm với bánh phồng giòn rụm là món ngon ăn hoài không ngán.


Nguyên liệu:

- 1 cái tai heo
- 400 g đu đủ xanh bào sợi
- 1/2 củ cà rốt bào sợi
- 1 ít rau răm thái nhỏ, hành phi, đậu phộng rang giã nhỏ
- Nước mắm trộn gỏi: 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước cốt chanh, tỏi, ớt bằm.

7. Nộm tép tươi

Bạn đã được ăn món "nộm tép tươi" chưa, nếu chưa được thưởng thức thì hãy thử trổ tài món ăn này, chắc chắn không làm bạn thất vọng đâu. Để làm món ăn này nguyên liệu bạn cần là 1 mớ tép tươi, lá chanh, bạn còn có thể làm món nộm tép tươi rất tươi ngon trộn cùng ớt chuông và gia vị chua ngọt.


Nguyên liệu:

- Tép tươi 200g
- Ớt chuông xanh, đỏ 2 quả
- Rau mùi 1 bó
- Gừng 1 nhánh nhỏ

- Gia vị: muối, nước mắm, dầu vừng, giấm, đường
Read more…

Cơm âm phủ đất Huế làm mê lòng thực khách

Ở Huế hiện nay vẫn còn lưu truyền câu thơ " Muốn ăn cơn dĩa trữ tình, có quán Âm phủ ma rình phía sau. Để nói về món cơm âm phủ tại quán cùng tên cơm âm phủ, cơm âm phủ món cơm đa màu sắc đa vị có thể nói là hội tụ đủ âm dương ngũ hành. Khiến cho thực khách tới Huê không thể kìm lòng đi mà không ghé qua nơi đây.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã nhận định rất đúng về vị thế của quán cơm Âm phủ: “Cách đây mấy mươi năm, ở xóm Đất Mới có một quán cơm được làm bằng tranh, tre, nứa, lá và chỉ phục vụ những trai tài; gái sắc sau cuộc chơi đàn ca, xướng hoạ, hay sau những giờ hoan lạc người ta cần một món ăn gì đó để lót dạ đặng tiếp tục cuộc thi. Lâu dần, xóm Đất Mới không còn khách nữa, khách chơi cũng hiếm lúc về đêm, nên “Quán cơm Âm Phủ” không chỉ bán đêm mà thường xuyên phục vụ cho những ai cần một bữa cơm bình dân ngon và rẻ”.


Cơm âm phủ vừa là cơm bình dân lại vừa là cơm cung đình

Chuyện xưa được lưu truyền lại rằng: Vua Bảo Đại nhà Nguyễn là một vị vua mang phong cách rất “Tây” nên thường “vi hành” để xem xét đời sống của người dân. Trong một lần “vi hành”, vua cảm thấy đói bụng và đã ghé vào một nhà bà lão xin cơm ăn. Bà lão tiếp đãi vua một dĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày hôm đó như dưa leo, rau cải, trứng, thịt… được thái sợi. Vua được bà lão mời ăn trên cái chõng tre với ánh sáng từ một ngọn đèn dầu. Ánh đèn dầu leo lét tù mù khiến vua cảm thấy hơi lạnh sống lưng. Nhưng do vua đi đường mệt, đói bụng nên vua ăn rất ngon miệng, không nề hà chi cảnh xung quanh nữa. 

Có lẽ đây lại là món ăn ngon nhất mà vua được ăn vì vua ăn không sót lại tí nào. Ăn xong, khi ra về, vua mới thấy nhà bà lão nằm trên một bãi đất bị sụp xuống, giống dưới bị sụp xuống âm phủ. Vua cảm thấy sự việc này quả là không bình thường nên muốn mau chóng rời đi nhưng lòng vẫn luyến tiếc món ăn ngon miệng này.

Khi về cung, chán ngán Sơn hào hải vị, vua lại nhớ đến món ăn lúc trước của bà lão. Do đó, vua ra lệnh mở cuộc tuyển chọn các đầu bếp trong Kinh thành để vào cung chế biến món ăn này cho vua. Và ông Tống Phước Kỷ đã chế biến thành công món ăn lỳ lạ này và trở thành đầu bếp trưởng của vua.

Sau này ông Tống Phước Kỷ được vua Bảo Đại cho rời hoàng cung nghỉ ngơi vì tuổi già sức yếu. Vì thế ông quyết định mở một quán ăn bán cung đình độc đáo này để cho thiên hạ có dịp được thưởng thức. Bởi trước đó, món này vốn chỉ có vua Bảo Đại thưởng thức nhưng gốc gác của nó lại thuộc về... dân gian.

Quán dựng lên ban đầu chỉ với 4 cái cọc tạm bợ, được lợp bằng tranh tre nứa lá, tường được làm bằng phên đất. Vào quán chỉ độc nhất cây đèn dầu hắt ra ánh sáng tù mù giữa đồng không mông quạnh nên những người mới đến ăn lần đầu thường cảm thấy nổi gai ốc như đang lạc vào cõi âm ty. Bởi thế, mới có câu truyền khẩu ở Huế: “Cơm chi mà tối mò mò/Ma kêu quỷ khóc mịt mờ âm ty/ Nghe đồn cũng thử mà đi/Té ra cũng chẳng khác chi dương trần”. Tên quán cơm Âm phủ có lẽ bắt nguồn từ đấy.


Quán Âm Phủ thuở đầu đã bán một thứ cơm “thập cẩm” trộn trong đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt, nướng, tôm chấy, thịt heo, dưa gang, dưa chuột bóp... ăn với cơm nấu bằng gạo ngon và nước mắm. Cháo hầm ăn kèm là cháo nếp hầm với giò, một món mà khách chơi khuya rất ưa thích để bồi bổ lại sức khoẻ. Bởi thế, người xưa đã tán tụng rằng: “Quán cơm Âm Phủ tối mò/ Tao nhân mặc khách cũng bò tới nơi/ Cơm chi ngon lạ khác đời/ Ăn đâu sướng đó, tuyệt vời trần gian”.

Ăn Cơm Âm Phủ, ngủ Khách sạn Thiên Đường

Thực khách của quán ăn kỳ lạ này thời trước là những cô gái “ăn sương” của khu Đất Mới. Khu Đất Mới là vùng ngoại biên hẻo lánh về phía Đông của Tòa Khâm (Đại học Sư phạm Huế ngày nay) và sở Mật Thám với những đồn lính Tây, lính Khố Đỏ, lính Khố Xanh, lính tập, lính kèn... Do đó, Đất Mới trở thành khu chứa gái điếm để cung ứng “nhu cầu”. Khách của các gái điếm cũng vì thế chủ yếu là lính tráng, đa phần là lính Pháp. Bởi thế mới có câu: “Chín giờ kèn thổi “cu-sê” (coucher: đi ngủ)/ Thôi em ở lại, anh về “áp-bên” (appel: điểm danh)...”. Và do sau những lần truy hoan tốn rất nhiều sức lực nên những tay chơi này có nhu cầu ăn uống để lại sức. Đối với gái làm nghề “vợ của thiên hạ” thì điều này càng cần thiết hơn. Và món cơm Âm phủ với đầy đủ chất dinh dưỡng, đầy đủ mùi vị đã được những thực khách này vô cùng hài lòng. Chính vì vậy, cơm Âm phủ đã trở thành món ăn hằng đêm của những 'bầy ong bướm'.

Ngoài ra, khách của quán còn có những người kéo xe, những người nhân công bốc xếp, những nghệ nhân lang thang đờn ca xướng hát, những lái buôn tứ xứ, những con bạc hoặc kể cả những người đi xem phim ở rạp về khuya đói bụng. Họ là sản phẩm của một xã hội thời Tây đô hộ với nét cơ cực, lang bạt, chẳng buồn nghĩ đến ngày mai. Bởi thế, Huế xưa đã có câu vè: “Kể từ ngày thất thủ Kinh đô/Tây qua giăng giây thép, họa địa đồ nước Nam/Lên Dinh, ở tớ Tòa Khâm/Chén Cơm Âm Phủ, áo đầm mồ hôi!...”.

Bà Tống Thị Lan, hậu duệ của ông Tống Phước Kỷ kể lại rằng: “Lần vua Bảo Đại tuyển chọn đầu bếp giỏi, cố nội tôi vì chế biến được những món ăn mà vua ưa thích nên đã được vua cử làm bếp trưởng. Được xuất cung, với mong muốn để nghề không bị thất truyền, cố tôi đã truyền lại cho con cháu và lưu truyền đến bây giờ”.

Vào năm 1936, khi Sân vận động Bảo Long tổ chức trận chung kết Giải bóng tròn Đông Dương thì quán Âm Phủ bấy giờ đã trở thành ngôi nhà ngói khang trang, làm nơi ăn uống giải khát bình luận sôi nổi của những người hâm mộ thể thao hay của dân cá độ. Cùng với đó, những ổ mại dâm cũng bị giải tán. Cái không khí u tối tịch mịch của quán cơm Âm Phủ ban đầu đã biến hẳn với đèn điện sáng choang.

Ngày nay, Huế đã đổi mới nhưng quán cơm Âm Phủ vẫn còn. Nó tồn tại ở ngay chính địa điểm ban đầu khởi dựng và nằm sát khách sạn Thiên Đường, đường Nguyễn Thái Học, TP. Huế. Bởi thế hiện nay ở Huế còn có câu: “Ăn Cơm Âm Phủ, ngủ Khách sạn Thiên Đường”.

Theo N.V.T
Read more…

Đến phố Lê Ngọc Hân ăn món phở chấm

Bánh phở trắng tinh được cắt thành từng đoạn vừa ăn, phủ thịt gà xé chấm với xì dầu ớt, thanh cảnh thế thôi mà ngon khó cưỡng.

Con phố nhỏ Lê Ngọc Hân (Hà Nội) từ chục năm nay ngoài hàng bún ốc, nem ốc nức tiếng còn có một hàng phở chấm, phở trộn cũng làm xiêu lòng bao thực khách từng ghé qua. Quán cũ kỹ nhưng cô chủ thì luôn tươi rói niềm nở đón khách. 


Thực đơn thì chỉ có vài món nhưng món nào cũng liên quan tới gà, mà lại toàn gà ta, thịt chắc và thơm rất hấp dẫn. Nếu là lần đầu tới quán, bạn hãy gọi một bát phở chấm thịt đùi gà hoặc cánh gà tùy sở thích nhé, phở chấm vừa lạ tai mà vừa lạ miệng nữa đấy. 


Đĩa phở chấm đơn giản mà vẫn hấp dẫn bất kỳ thực khách nào từng nếm thử

Bánh phở trắng phau, trông rất ưng mắt, được cắt thành từng khúc ngắn tầm 5 cm rồi xếp ra đĩa vừa, bên trên phủ thịt gà xé, lá chanh thái nhỏ li ti và rau mùi. Đồng thời, chủ quán cũng mang ra kèm cả một bát xì dầu để chấm nữa. Xì dầu được pha thêm chút đường, bỏ vào vài lát ớt tươi, đơn giản mà vô cùng hợp. 

Cách ăn lại càng đơn giản hơn, bạn chỉ cần lấy đũa gắp một gắp bánh phở rồi chấm vào xì dầu, thỉnh thoảng nhón một miếng thịt gà ăn kèm. Bánh phở mềm mà không nát, xì dầu thơm còn thịt gà thì thơm, da gà vàng ươm giòn sần sật, không ít người ăn hết suất mà vẫn còn muốn ăn thêm.


Phở trộn nhiều thịt gà, nước trộn thơm mùi gừng, chua ngọt dễ ăn

Còn nếu muốn thưởng thức hương vị quen thuộc thì hãy gọi một tô phở trộn. Phở được đựng trong bát to, trông không hề cầu kỳ nhưng đúng chất ẩm thực Hà thành. Cái làm nên hồn của món ăn chính là thứ nước trộn chua chua ngọt ngọt cay cay, thơm mùi gừng được pha chế rất khéo léo và vừa vặn để kích thích thị giác của thực khách cũng như không gây cảm giác ngấy khi ăn.

Sợi phở mềm tơi, thịt gà lại khá nhiều, ngoài ra còn có giá sống, rau thơm thái nhỏ, trộn đều tất cả lên, ăn mãi cũng chả thấy chán. Ngoài ra, bạn cũng nên gọi thêm một bát nước dùng ninh từ xương ngọt thơm, trên rắc hành tươi thái nhỏ để tăng vị đậm đà và đỡ khô cho món ăn.


Nếu đang chán cơm thì đây là một lựa chọn thú vị cho bạn

Mỗi suất phở chấm có giá 40.000 đồng còn phở trộn là 35.000 đồng/tô. Cô chủ còn nhận đặt cả ruốc gà, gà rang, gà chặt, gà lễ nữa. Quán mở cửa từ 7h đến 21h, đông nhất là tầm buổi trưa. Hôm nào chán nấu cơm, hãy đến quán phở chấm, phở trộn ngay nhé, ngon miệng mà vẫn đủ chất.

Theo Ngôi Sao
Read more…

Thưởng thức "gà nước mặn"

Trong các loài hải sản biển, có một thứ cá có hình dáng rất ngộ, vuông vức y như cái hòm, thịt lại chắc nịch, nhiều và thơm ngon nên được ngư dân đặt cho biệt danh là "gà nước mặn", ấy là giống cá bò hòm.

Cá bò hòm thường sống trong các đầm vịnh và vùng biển lặng, có thể đánh bắt dễ dàng hơn cả là các vùng biển Phú Yên hoặc Phan Thiết. Nhưng ngay cả tại những vùng ấy, số lượng cá bò hòm cũng rất ít, lại chưa thấy ai gom về nuôi bán, hơn nữa loại cá này sinh trưởng chậm nên luôn được coi là thứ thượng phẩm quý hiếm không dễ gì được thưởng thức.


Bàn tới cái tên thú vị của loài cá này, hẳn không ít người phải phì cười vì kiểu đặt tên "trông mặt bắt hình dong" của ngư dân miền biển. Gọi là cá nhưng cá bò hòm chẳng dẹt, mà lại căng ních, vuông vức. Người nói nó giống con bò, người thì quả quyết giống y chang cái hòm bỏ đồ, nên giống cá lạ này mang tên bò hòm. Cũng có người cho rằng, cá bò hòm cùng họ với các loài cá có da dày và nhám khác, như cá bò gù, cá bò da nên cũng được gọi là cá bò, còn hình dáng cái hòm thì ai ai cũng gật gù đồng ý. Trông cá bò hòm bơi trong nước cũng khá kì khôi, cái thân hình núc ních gần như không di chuyển được nhiều, nên sức nặng đặt cả vào cái đuôi ngúc ngắc cùng bộ vây bé xíu ve vẩy hai bên.


Bởi thân cá kì lạ vậy nên thịt cá cũng vô cùng đặc biệt. Thịt cá bò hòm trắng hơn cả thịt gà, không hổ danh gà nước mặn. Hơn thế nữa, cả thân hình nhung nhúc trừ xương sống không có thêm chiếc xương dăm nào, nên khi ăn cá ai ai cũng thích thú liên tưởng như đang gỡ từng thớ lườn gà mềm trắng phau phau.


Chế biến cá bò hòm đơn giản hết sức, chẳng cần chế gia vị, nêm nếm chi mất công; chỉ cần nhấc cá ra khỏi bè nước, trong lúc chờ cá quẫy đạp một chút rồi mất sức nằm im, người ta bắc bếp nhóm than hồng rồi đặt cả con cá lên vỉ nướng. Rồi cứ thế lật trở cho đều tới khi lớp da cháy đen lại là thịt cá đã chín đều. Kinh nghiệm người sành nướng còn cho biết, thịt cá dồn cả về sống lưng nên phải nướng kỹ phần lưng, thịt càng thêm đều thơm.


Thịt cá bò hòm không tanh mà béo ngậy, tuy không qua chế biến cầu kì mà vẫn đậm đà thơm ngon. Dùng tay không gỡ miếng thịt cá, chấm chút muối chanh ớt cay nồng, đưa lên miệng cảm nhận cái ngọt ngào, hít hà vị cá, vị biển mà thấy mọi giác quan như giãn nở, thư thái đến kì lạ.


Theo Depplus
Read more…

C’rêê món ăn ưa thích nơi núi rừng Trường Sơn

C’rêê hay còn gọi là đọt mây là món ăn độc đáo được ưa thích trong những ngày đầu xuân của đồng bào Cơ Tu biên giới Tây Giang (Quảng Nam).

C’rêê hay đọt mây là một loài cây thường mọc thành bụi ở các khu rừng Trường Sơn. Người dân ở đây thường dùng đọt mây để chế biến các món ăn. Có nhiều loại mây khác nhau nhưng mây voi là được ưa chuộng nhất bởi nõn nó ăn giòn, béo và vị ngọt, đắng nhẹ.


Đọt mây được chế biến thành nhiều món khác nhau, mỗi món đều mang một hương vị hấp dẫn riêng. Nõn mây xào mỡ hoặc dầu ăn là đơn giản nhất. Tuy khá đơn giản nhưng món ăn lại có hương vị rất riêng mà không món ăn nào có được. Đọt mây nướng vùi dưới than có vị thơm, bùi và đặc biệt không dai do còn giữ được nước.


Ðọt mây nướng thường ăn kèm với muối hột giã với hạt tiêu rừng. Đọt mây cũng được giã nát nấu vớt thịt khô hoặc cá khô. Món ăn khô hoặc sền sệt kết hợp cùng vị đăng đắng để lại những ấn tượng khó quên trong lòng thực khách
Read more…

Những món ngon ở Sài Gòn

Cà ri gà, bún riêu hay bánh bò nước cốt dừa... sẽ khiến bụng bạn sôi cồn cào vì háo hức được thưởng thức.Dưới đây là một số món ăn bạn nên thử nếu có dịp ghé thăm thành phố mang tên Bác.



Cà ri gà thường ăn cùng với cơm, bún nhưng phổ biến nhất ở Sài Gòn là dùng kèm với bánh mì. Món ăn có mùi vị đặc trưng của hỗn hợp gia vị như hoa hồi, đinh hương, lá cà ri, ớt... Người nấu cà ri tại Việt Nam thường dùng nước cốt dừa nên món ăn có độ béo và thơm ngon. 


Hủ tiếu nam vang thường được người Sài Gòn ăn vào bữa sáng hoặc tối. Nguyên liệu chính của món này là bánh hủ tiếu, thịt bằm nhỏ, lòng heo, giá đỗ...


Cơm gà cũng là món ăn nổi tiếng của người Sài Gòn. Thịt gà khi luộc phải mềm, cơm được nấu bằng nước luộc gà nên có vị đặc trưng. Quan trọng nhất là nước mắm phải được pha đúng để thực khách vừa ăn cơm, vừa xé thịt chấm. 


Bún đậu mắm tôm là món ăn miền bắc nhưng khi du nhập vào Sài Gòn đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Khi gọi một phần bún đậu sẽ được mang ra gồm bún, đậu rán, chả cốm, thịt luộc và rau sống... Món này được đánh giá ngon hay không phụ thuộc nhiều vào cách pha mắm tôm. 


Sủi cảo là món ăn được nhiều bạn trẻ rủ rê nhau đi ăn mỗi khi rỗi rãi. Món này bán nhiều nhất ở quận 5, Sài Gòn


Bún riêu không hẳn là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng vẫn đủ sức hút khiến cho bạn phải tìm ăn ngay chỉ vì khi đói nhìn vào hình khó lòng "cưỡng lại". 


Bánh bò nước cốt dừa là món ăn vặt và có mùi vị khá dễ thương, nhất là đối với những ai mê ngọt. Bánh bò mềm, thơm, khi ăn tưới nước cốt dừa và rắc mè vừng lên trên.


Chè sương sa hột lựu thanh mát, thích hợp cho những ngày thời tiết nóng bức. Chè thường được bán ở những nơi vỉa hè Sài Gòn và dễ dàng làm bạn mất ngủ nếu chẳng may nhìn phải hình. 

Theo Vnexpress
Read more…

Thưởng thức macaron kem lạnh tại Seoul

Nhiều người sẽ khó có thể kìm lòng trước những chiếc sandwich vỏ macaron và nhân kem lạnh mập mập, xinh xinh tại thủ đô Hàn Quốc.


Bạn là fan của những chiếc bánh nắp chai macaron đủ màu sắc? Bạn cũng thích nhâm nhi kem - món giải khát mùa hè quen thuộc mà “ăn mãi không thấy chán”? Vậy thì nếu có dịp đến thăm Hàn Quốc, đừng bỏ lỡ macaron kem lạnh (hay còn gọi là macaron ice cream sandwich hoặc macaron ice cream burger) - món ăn đường phố đã và đang gây sốt tại đất nước này.

Macaron kem lạnh trở thành trào lưu tại Hàn Quốc bắt đầu từ khoảng mùa hè 2014. Những cửa hàng đầu tiên đưa món ăn vặt bắt mắt này đến với giới trẻ có thể kể đến Antique, LaonD, Penguine… Đến hiện tại, cơn sốt macaron kem lạnh đã lan khắp các ngóc ngách của thủ đô Seoul. Bạn sẽ dễ dàng tìm được một vài cửa hàng bán món ăn này ở phần lớn các khu ăn chơi lớn tại Seoul như Hongdae, Daehakro, Myeongdong, Gangnam, Itaewon…


Những người trẻ tuổi chắc sẽ khó có thể kìm lòng trước những chiếc sandwich vỏ macaron và nhân kem lạnh mập mập, xinh xinh. Về phần hình thức, macaron kem lạnh dễ dàng chinh phục ánh nhìn của người qua đường với phần kem hình trụ ú ụ, mịn màng kẹp giữa hai miếng macaron to. Đặc biệt, lớp vỏ macaron sẽ trở nên vừa lạ vừa quen bởi khác với kích thước nắp chai thường thấy của macaron, lớp vỏ này lại to cỡ lòng bàn tay người lớn.

Về phần hương vị, macaron kem lạnh đích thị là món quà vô giá đối với các tín đồ hảo ngọt. Sự kết hợp mùi vị cũng hết sức đa dạng, bởi cả macaron lẫn kem đều có rất nhiều vị khác nhau. Thêm vào đó, cảm giác khi nhai lẫn lớp vỏ macaron mềm mềm, dai dai cùng phần kem lạnh lạnh, ngọt ngọt chắc sẽ khiến bạn thích thú vì sự kết hợp “tưởng quen mà lạ, tưởng lạ mà quen”.

Dưới đây là một số địa chỉ giúp bạn tìm được một chiếc macaron kem lạnh tại Seoul:

1. Antique


Là một trong những địa điểm đi đầu trong cơn sốt macaron kem lạnh, menu của Antique phong phú với cheese cake, cacao, vanilla, dâu tây, xoài, cherry, oreo và kem, trà xanh. Macaron kem lạnh ở đây cũng trở nên lôi cuốn hơn những nơi khác nhờ lớp topping bắt mắt phủ ngoài lớp kem. Bạn có thể mua macaron kem lạnh tại Antique với giá 4.500 won (1 won bằng khoảng 20.000 đồng).

Địa chỉ: 332-35 Seogyo-dong, Mapo-gu, Seoul.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 2, ga Hongdae, cửa ra số 8.

2. LaonD


LaonD vốn là cửa hàng chuyên chocolate và macaron. Tuy nhiên macaron kem lạnh ở đây chỉ có một loại duy nhất với nhân kem chocolate, được bán với giá 3.500 won. So với những nơi khác, macaron kem lạnh của LaonD nhỏ hơn nhưng dày hơn.

Địa chỉ: 395-84 Seogyo-dong, Mapo-gu, Seoul.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 2 hoặc line 6, ga Hapjeong, cửa ra số 3.

3. Penguine Macaron


Dù chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trên khu phố Daehakro đông đúc, cửa hàng màu hồng này luôn khiến nhiều người phải ghen tị vì lượng khách xếp hàng dài chờ mua macaron kem lạnh mỗi ngày. Do macaron và kem ở đây được làm trong ngày nên cửa hàng chỉ mở cửa từ 6 giờ chiều ngày thường và 5 giờ chiều ngày cuối tuần. Menu của Penguin Macaron gồm 4 vị: cheese cake, trà xanh, dâu tây và chocolate, với giá 2.900 won. Bạn cần xếp hàng nhận số thứ tự để mua macaron kem lạnh tại đây.

Địa chỉ: 32 Myeongryun-2ga, Jongno-gu, Seoul.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 4, ga Hyehwa, cửa ra số 4, rẽ trái đi thẳng khoảng 400m (quán nằm cạnh Paris Baguette).

4. Janny Macaron Ice Cream/ Softbee Macaron Ice Cream


Cả hai cửa hàng này nằm đều nằm ở “thiên đường shopping” Myeongdong, vậy nên việc thưởng thức sẽ vô cùng tiện lợi với những bạn trẻ thích mua sắm. Menu của Janny và Softbee cũng rất đa dạng. Tuy nhiên giá macaron kem lạnh ở Janny là 3.500 won, còn ở Softbee là 4.500 won.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 4, ga Myeongdong, cửa ra số 6.

5. TO THE DIFFERENT Dessert Café


Nếu là fan của bộ phim My Lovely Girl, nhất định bạn sẽ không thể bỏ qua macaron kem lạnh của TO THE DIFFERENT Café, bởi đây chính là món ăn mà cô nàng Krystal (vai Yoon Sena) từng nhấm nháp trong phim.

Không chỉ có mặt ở Seoul, chuỗi cửa hàng café TO THE DIFFERENT còn có chi nhánh ở những tỉnh thành khác của Hàn Quốc như Busan, Gwangju, Ulsan…. Macaron kem lạnh ở TO THE DIFFERENT có 5 loại (Flying Vanilla, Grape Blooming, Glam Cookies, Green Tea Revolution, Choco Flakes) với giá 4.800 won.

Địa chỉ: 541-17 Sinsa-dong, Gangnam-gu, Seoul.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 3, ga Sinsa, cửa ra số 8 (quán nằm đối diện Starbucks).

Hoặc địa chỉ: 123-1 Itaewon-dong, Yongsan-gu, Seoul.

Cách đi lại: tàu điện ngầm line 6, ga Itaewon, cửa ra số 2.

6. Paris Baguette/ Baskin Robins/ 7eleven


Ở Hàn Quốc, tiệm bánh Paris Baguette, tiệm kem Baskin Robins và cửa hàng tiện lợi 7eleven là những thương hiệu quen thuộc, không khó bắt gặp những cửa hàng này ở khắp các đường phố. Bắt kịp trào lưu, Paris Baguette, Baskin Robbins và 7eleven cũng tung ra những sản phẩm macaron kem lạnh của riêng mình. Ưu điểm của những cửa hàng này là bạn có thể dễ dàng mua và thưởng thức chúng với giá “hạt dẻ” hơn một chút. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là macaron kem lạnh của những thương hiệu này không ngon đâu nhé! Bên cạnh đó, nếu mua trúng dịp khuyến mãi, bạn sẽ được tặng thêm 1 chiếc nữa. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ không có quá nhiều mùi vị để bạn lựa chọn.

7eleven có 2 vị là chocolate và dâu tây (2.500 won), Paris Baguette có 2 vị là cookies và blueberry (3.500 won), Baskin Robbins có 2 vị là cookies’n cream và cherries jubilee (3.300 won).

Theo Ngôi Sao
Read more…

Sức Khỏe Gia Đình
Mẹo Vặt
Sự Kiện

SẢN PHẨM Y KHOA