Hóa vàng mùng 3 Tết như nào cho đúng?

Ngày mồng ba Tết (có nơi mồng bốn), làm lễ cúng đưa ông bà hay còn gọi lễ hóa vàng. Lễ này có nơi gọi ông vãi. Tục này không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt.

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: "Lễ Hóa vàng là lễ cúng đưa ông bà, còn gọi là cúng tiễn ông vãi. Có gia đình cúng ngày mồng ba, có khi mồng bốn. Họ làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi đem bào nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được háo riêng.

Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng. Hai cây gậy các cụ theo tín ngưỡng được coi là đòn gánh gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống lại bọn quỉ sứ muốn cướp vàng đi. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đày đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày Tết".

Lễ vật giống như lễ cúng gia tiên: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Trong đó, nếu cúng mặn không thể thiếu con gà trống.


Bàn thờ thiên ngoài trời.

Ngoài Lễ Hóa vàng ngày mùng 3 còn có 3 lễ cúng, đó là Cúng Tết nhà, Tết Vườn và Tết giếng. Lễ này thường gặp ở nông thôn có giếng tự đào lấy nước, có sân vườn trồng cây ăn trái....

Mồng hai hoặc mồng Ba ngày nào tốt thì cúng Tết Nhà, đặt bà giữa nhà, lễ vật gồm hương đăng, trà quả, bánh trái... để cúng vị "Chúa Tiên huyền nữ, mộc trụ thần quan".

Theo tập quán xưa chiều 30 tháng Chạp người ta quét nhà sạch sẽ, khóa tủ kín đáo, đến khi cúng Tết Nhà xong mới được quét nhà mở tủ, bỏ vào vài đồng bạc để lấy hên đầu năm, lấy giấy tiền dán lên cột nhà đầu tủ để mong năm mới tiền vô như nước.

Cúng Tết Vườn thì đặt bàn trong vườn để cúng "Hoàng Thiên Hậu Thổ, Long Thần quản cuộc", lễ vật giống như Tết Nhà. Cúng xong lấy giấy vàng bạc dán lên vài ba cây để mong cho vườn tược tươi tốt cây trái sum sê. Từ đó mới được hái trầu cau, xé lá chuối, động đất (đào đất).


Cỗ bàn cúng ngoài sân.

Cúng Tết Giếng thì đặt bàn cạnh giếng để cúng "Thủy Long Thần Nữ" cầu cho nước giếng được tốt lành, lễ vật cũng giống như Tết Nhà.

Theo tập tục chiều 30, người ta lo múc nước đổ đầy lu, đầy ghè để dự trữ. Cúng xong, đốt giấy vàng bạc và bỏ 3 đồng tiền xuống giếng mới được múc nước dùng.

Ba lễ cúng trên đây có nhiều nhà không cúng riêng từng địa điểm mà cúng chung một chỗ.

Văn khấn lễ tạ năm mới (mồng 3 Tết)

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy:

- Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

- Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân,

Long Mạch Tôn Thần

- Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng Ba tháng Giêng năm …..

Tín chủ chúng con ...

Ngụ tại ...

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin: lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Nguồn : phunutoday.vn
Read more…

Những thực phẩm cấm kỵ ăn đầu năm mới

Trứng vịt lộn không hiểu sao cũng được coi là đen đủi nếu ăn vào dịp đầu năm nên người miền Bắc và miền Trung cũng thường kiêng kỵ loại thực phẩm bổ dưỡng này.

Theo quan niệm dân gian, Tết cổ truyền là dịp khởi đầu một năm mới, khởi đầu cho vạn vật. Để một năm được hanh thông vạn sự như ý, người ta khuyên cần kiêng cữ rất nhiều thứ, trong đó có cả việc kiêng không ăn một số món ăn.


Trứng vịt lộn không hiểu sao cũng được coi là đen đủi nếu ăn vào dịp đầu năm.

Những món ăn này, tuy bổ dưỡng, nhưng theo quan niệm dân gian, nó đem lại vận đen đủi không may mắn nếu ăn vào dịp đầu năm, nhất là ăn trong 3 ngày Tết.

Bởi vậy, dù có muốn được thưởng thức chúng, bạn vẫn cần phải tránh không ăn những món dưới đây trong 3 ngày Tết nhé.

1. Thịt chó:


Thịt chó được coi là món ăn để giải đen, nhưng phải ăn vào dịp kết thúc của một tháng, một năm (âm lịch). Nếu ăn thịt chó vào dịp khởi đầu của tháng/năm thì kết quả sẽ ngược lại, tức là nó sẽ đem lại sự đen đủi cho người ăn.

Đây là quan niệm của đại đa số người miền Bắc. Để tránh vận đen, họ thường không ăn thịt chó vào dịp đầu tháng, đầu năm.

Tuy nhiên, quan niệm này cũng tùy thuộc vào từng địa phương. Có một số vùng coi thịt chó là món ăn chính trong mâm cỗ thì họ không cho rằng món ăn này đem lại sự đen đủi.

2. Mực:

Có lẽ do cái tên đã gợi lên sự tối tăm, đen đủi nên mực được coi là món ăn đem lại vận đen trong quan niệm dân gian cả 3 miền trên đất nước ta. Vào dịp đầu năm, đầu tháng, người ta tránh không ăn mực để mong rằng những ngày sau đó không gặp vận xui.

3. Chuối

Nếu người miền Bắc coi chuối là thứ quả không thể thiếu được trong mâm ngũ quả để dâng lên ông bà tổ tiên, thì người miền Nam lại nghĩ ngược lại, coi đây là thứ quả không may mắn cần tránh ăn trong dịp đầu năm.

Thực tế, đây chỉ là quan niệm dân gian không có cơ sở khoa học nhưng người ta vẫn nghĩ có kiêng có lành nên loại quả này không được dùng để ăn và đãi khách trong dịp đầu năm.

4. Thịt vịt:

Cũng giống như thịt chó, thịt vịt cũng được một số người cho là món ăn giải đen vào cuối tháng, cuối năm nhưng người ta không ăn thịt vịt vào đầu năm, đầu tháng vì sợ đen đủi.

Quan niệm này tuy không phổ biến và có vẻ ít được biết đến hơn nên sự kiêng kỵ thịt vịt không được nhiều người áp dụng như thịt chó. Tuy nhiên, dịp đầu năm thì thực phẩm này bị "xa lánh" tuyệt đối.

5. Trứng vịt lộn:

Trứng vịt lộn không hiểu sao cũng được coi là đen đủi nếu ăn vào dịp đầu năm nên người miền Bắc và miền Trung cũng thường kiêng kỵ loại thực phẩm bổ dưỡng này.
Read more…

Giữ đức hạnh để dự lễ giao thừa linh thiêng nhất Việt Nam

Đình Dương Lôi (phường Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nằm cạnh bên dòng sông Tiêu Tương trong vắt, đăm đắm và mông lung những câu chuyện huyền thoại về ngày lễ tết.

Là ngôi đình thờ 8 vị vua nhà Lý, từ cổ xưa đến nay, đình Dương Lôi vẫn giữ gìn và phát huy được văn hóa lễ hội của đình, độc đáo nhất là lễ cúng giao thừa ở đình làng. Lễ cúng giao thừa tuy không quá rầm rộ nhưng vẫn cứ náo nức và tràn đầy tình làng quê, tình anh em, họ mạc theo cả một chiều sâu văn hóa Thăng Long thời nhà Lý.

Ly kỳ chuyện gần 300 lễ cúng giao thừa

Dương Lôi là vùng đất phát tích của triều Lý và đình Dương Lôi là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Lý, trong đó khởi nguyên lập nước là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ. Từ bao đời nay, người dân Dương Lôi một lòng tưởng nhớ công ơn của các vị vua triều Lý và thiện nguyện sống “tốt đời đẹp đạo” trên vùng đất quý hương.


Đình Dương Lôi 

Hàng năm, đình có 7 ngày lễ, trong đó lễ cúng giao thừa là một lễ phản ánh hết mọi mặt trong đời sống của làng, hiện thân của nền văn hóa thời Lý, được coi là độc đáo nhất Bắc Ninh.

Cứ đến hẹn lại lên, vào đêm giao thừa thì cả làng Dương Lôi háo hức và trọng thể làm lễ cúng giao thừa ở đình làng. Nghi lễ cúng giao thừa ở đình làng có từ bao đời nay, ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết, từ khi sinh ra thế hệ trước đã truyền lại và thế hệ sau cứ thế thực hiện.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng và quan trọng của một năm, của một gia đình, một dòng tộc khi tiễn một năm cũ và đón chào một năm mới. Chính vì thế, người dân trong làng Dương Lôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng để làm lễ cúng này.

Cụ đám Trần Đức Thiệp của đình Dương Lôi cho biết: “Vì người dân trong làng đều muốn làm lễ cúng giao thừa trong năm mới nên ở đây mọi người đều làm mọi thủ tục, sắm sửa, bày biện lễ từ rất sớm để được làm lễ nhanh nhất có thể. Trung bình, lễ cúng giao thừa ở đình có khoảng 300 lễ”.

Người dân trong làng làm lễ cúng giao thừa tại đình phải chuẩn bị mâm lễ đầy đủ xôi gà, rượu chè, tiền vàng... Vì số lượng lễ rất lớn nên mọi người phải ra đình lấy phiếu đăng ký làm lễ cúng theo thứ tự từ 7h tối. Các thành viên trong ban khánh tiết của đình sẽ lựa chọn và sắp xếp các gia đình đăng ký làm lễ cúng, rồi trình lên cụ đám. Khi đồng hồ điểm đúng 12h đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì ở đình cụ đám bắt đầu làm lễ cúng giao thừa.

Thủ tục làm lễ cúng giao thừa của đình Dương Lôi theo 3 lễ, trước là lễ làng, sau là lễ cụ đám và tiếp đến là lễ dân làng. 3 lễ này đều được thực hiện trang nghiêm dưới sự chứng kiến của hàng trăm người dân. Riêng lễ dân làng là kéo dài nhất, từ 6h sáng đến tối ngày mùng 1 mới hoàn tất và kết thúc. Cụ đám cho hay: “Làm lễ dân làng, một lần cúng sẽ làm chung 10 lễ một và cúng khoảng 15 phút. 10 lễ được đặt chung nhưng khi lễ là tôi phải đọc riêng từng thân chủ. Cứ như thế cho đến khi mọi người ai cũng được làm lễ cúng theo nguyện vọng đã đăng ký mới thôi”.

Trong tâm thức của người dân Dương Lôi, lễ giao thừa là một lễ được mọi người mong chờ nhiều nhất. Cô Toan, người làng Dương Lôi bộc bạch: “Dân làng chúng tôi nhà nào cũng mong muốn ra đình làm lễ giao thừa để cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho cả gia đình trong năm mới. Làm lễ cúng giao thừa ở đình cho chúng tôi niềm tin vào ước nguyện “quốc thái, dân an” sẽ thành sự thật”.

Quy định linh thiêng bậc nhất

Lễ cúng giao thừa ở đình làng Dương Lôi từ lâu đã thực sự trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa, một món ăn tinh thần của những người dân trong làng. Qua bao thế hệ, tục lệ này không hề bị mất đi, trái lại nó luôn được bồi đắp và lưu truyền muôn đời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.


Du khách đến dâng hương tại đình Dương Lôi

Mỗi năm, vào dịp giao thừa, đình Dương Lôi lại đông vui như trẩy hội để mọi người mang lễ ra đình làng làm lễ cầu mọi điều may mắn, tốt đẹp. Nhưng không phải ai đến đình cũng được làm lễ cúng giao thừa, mà ở Dương Lôi, quy định cúng trong đêm giao thừa cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt như trong cung cấm ngày xưa.

Cụ đám Thiệp cho biết: “Để thực hiện lễ cúng giao thừa ở đình, ngoài việc người dân ra đình lấy phiếu đăng ký, chuẩn bị mâm lễ tươm tất thì khi đến đình làm lễ mọi lời ăn tiếng nói, trang phục cũng phải rất chú ý cho đúng với văn hóa của làng”.

Bất kể ai ra đình xin làm lễ cúng giao thừa hay đứng trước ban thờ Đức bát vị tiên hoàng đế cầu nguyện đều phải ăn mặc chỉnh tề. Đối với thành viên ban khánh tiết đỡ lễ ở trên thì phải mặc quần vàng, áo vàng, còn đỡ lễ ở dưới thì mặc áo the, quần trắng. Các cụ cao tuổi trong làng ra đình phải khăn xếp áo dài. Còn riêng cụ đám phải mặc áo đỏ, quần đỏ, đầu đội mũ đỏ, đi hia đỏ. Người dân không ai được mặc quần cộc, áo cộc, ăn mặc lòe loẹt, luộm thuộm.

Không những thế, trong lúc làm lễ cúng giao thừa, mọi người không ai được chen lấn, xô đẩy, ăn nói thiếu văn hóa. Cụ đám kể lại, trong đêm 30 làm lễ cúng giao thừa có một ông ở dưới mách tục mách rác đã tự làm đổ cả mâm cỗ. Sau đó, đến mùng 3 Tết phải ra đình làm lễ lại. Vì thế, người dân ở đây, đã vào cửa đình không ai được ăn nói xằng bậy.

Trải qua bao đời, đình Dương Lôi được gắn với phong tục tập quán của làng, đồng thời là nơi duy nhất còn lưu truyền các sắc phong, bài vị, các ngai vua của thời nhà Lý. Đình còn là nơi chứa đựng biết bao câu chuyện gắn liền với cuộc đời của bà Phạm Thị, về tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn… Trong chốn đình linh thiêng, có một quy định bất di bất dịch từ xưa đến nay để lại, là đàn bà và trẻ em không được vào nơi thờ cúng trong đình được thực hiện triệt để ở mọi lúc, nhất là vào đêm giao thừa.

Chị Vui, một người trong làng chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã rất thích thú với tục cúng trong đêm giao thừa ở đình làng mình. Tôi rất háo hức muốn đến đình xem cụ đám cúng thế nào, hậu cung ra sao nhưng vì là con gái nên chẳng bao giờ tôi được vào cửa đình, tận mắt chứng kiến lễ cúng trong đêm giao thừa cả”.

Bên cạnh đó, khi đến đình làm lễ, tất cả mọi người đều phải tỏ thái độ tôn kính đối với cụ đám. Cụ đám là một người liêm khiết, được dân làng tín nhiệm bầu ra đại diện cho toàn thể dân làng đèn nhang thờ phụng Đức bát đế nên trong khi lễ, mọi người đều phải làm theo sự sắp đặt của cụ đám. Chiếu ngồi của cụ đám làm lễ không ai được bước qua hay ngồi xuống bên cạnh. Đàn bà và trẻ em không được vào nơi thờ cúng, càng không được bén mảng đến chiếu của cụ đám. Về điều này, cụ đám Thiệp lý giải: “Vì đình làng là nơi thờ vua nên quy định bao đời nay đàn bà và trẻ em không được vào hậu cung và vào nơi thờ cúng trong đình. Nữ giới chỉ được phép đứng ở bên ngoài lễ vào trong mà thôi”.


Nguồn : phunuoday.vn
Read more…

Lễ vật cúng mùng 1 Tết và tục kiêng quét nhà

Sau đêm Giao thừa, sáng mùng 1 Tết mọi người quây quần bên nhau trong không khí ấm cúng sum họp gia đình, cùng nhau thắp trên bàn thờ gia tiên bên mâm cỗ thịnh soạn.

Sáng mồng một Tết làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân, v.v… Ngoài cỗ bàn ra có nhà còn dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vãi. Sau đó là cả nhà chúc tụng lẫn nhau, đi thăm hỏi chúc Tết bà con, hàng xóm láng giềng…ăn Tết.


Khi cúng gia tiên nên cúng Phật trước

Lễ vật: cúng ngày mùng 1 Tết cũng giống như cúng gia tiên. Vật phẩm gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Sau khi người gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng.

Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng ngày mùng 3.

Tục kiêng quét nhà ngày đầu năm

Ông bà ta có quan điểm về mê tín dị đoan, những cái không phù hợp với cuộc sống dần dẹp bỏ. Những tập tục tốt đẹp cần giữ gìn phát huy. Một trong những tục ấy là tục kiêng quét nhà ngày mùng một Tết.

Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.

Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người, viết: "Tục này là do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm, nhân ngày mùng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác trong mấy ngày Tết.Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng một thì thôi".


Bàn thờ Gia tiên một gia đình ở Sài Gòn

Văn khấn mẫu cúng gia tiên

Nước CHXHCN Việt Nam, năm… (tên gọi của năm theo âm lịch) ngày mùng một tháng Giêng, tiết xuân.

Nay con giữ việc phụng thờ tên là…(họ tên người khấn), quán tại xã… huyện… tỉnh…, hiện nay toàn gia cư trú tại…đồng gia quyến cúi đầu trăm bái.

Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cỗ bàn, rượu nước, trầu cau cùng mọi phẩm vật dâng lên.

Kính mời các cụ họ… kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, cô dì, chị, em cùng về chứng giám.

Dám mong

Tiên tổ bảo hộ gia đình, từ già đến trẻ, hạnh phúc an khang, không tai vạn sự hanh thông, người tăng, vật vượng.

Thượng hưởng.

(Theo Tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh)

Ngoài ra cũng có bài Văn khấn ngày mùng 1 Tết, độc giả có thể tham khảo thêm.

Văn khấn Tổ tiên mồng 1 Tết

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô dì tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Nay theo Tuế luật , Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mùng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần , đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng , khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật , oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.

Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô dì tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Nguồn : phunutoday.vn
Read more…

Năm mới, xin “ông đồ” chữ gì cho may mắn?

“Các ông đồ đều phải nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ chứ không phải khách hàng muốn chữ nào, cho chữ ấy”.

Xin chữ cầu may

Từ ngày 28 Tết Ất Mùi, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ là nơi các ông đồ đã qua sát hạch “tập kết” cho chữ.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, sau năm 1995, không gian Văn Miếu phát triển và hình thành "chợ" thư pháp.

Sự xuất hiện của “chợ” thư pháp kéo theo sự thay đổi của tục xin chữ, đáp ứng đời sống mới của xã hội về tính tiện lợi và thủ tục.

Chẳng hạn: Ngày nay, thay vì đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong “phố ông đồ” để xin chữ. Không chỉ cho được chữ Hán, các ông đồ có thể cho chữ quốc ngữ (chữ viết theo lối thư pháp)…


Ông đồ cho chữ ở phố ông đồ tại TP.HCM - Ảnh: Dương Thanh.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho rằng, có yếu tố thương mại trong tục xin chữ – cho chữ ngày nay, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ.

Ông đồ Lê Quang Thảng (Hà Nội) chia sẻ, phần đông người xin chữ hiện nay, coi việc chơi thư pháp cho vui, nay thích thì chơi, mai không thích thì bỏ.

Trong khi đó, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ, (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mùa xuân, người dân thường tìm đến ông đồ có đức, có tâm, văn hay chữ tốt, có uy tín để được xin chữ treo trong nhà, cầu, bình an, hạnh phúc.

Ông Vũ Ngọc Kỳ cho biết, ngay cả những nơi cho chữ bình dân nhất như thầy đồ làng, người xin chữ bao giờ cũng mong được trò chuyện về quá khứ tương lai, những lời khuyên cho một năm mới.

Còn ông đồ Đỗ Văn Tụ (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, tục xin chữ xưa kia có ý nghĩa thiêng liêng với cả người xin và người cho chữ.

Ông Tụ phải thức dậy từ 4h sáng mài mực giúp cha. Khi trời sáng, tất cả đã chuẩn bị xong. Trong khi đó, người xin chữ tắm rửa sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, sắm một chút lễ vật có thể là chai rượu, quả cau... đến lễ ông đồ.

Khi viết chữ, thầy vừa viết vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, trước đây, người dân rất quan tâm đến hình thể của con chữ và nội dung của câu chữ. Hiện nay, người xin chữ chủ yếu để cầu may mắn, ít khi thưởng thức về thư pháp.

Nhìn thần sắc cho chữ

Ông Phạm Hải (Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, khách hàng chỉ xin chữ quanh 4 chữ kinh điển gồm: Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn.

Tuy nhiên, tục cho chữ không phải người muốn chữ nào cho chữ ấy mà hầu hết, các ông đồ đều nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ.

Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát Tài... Người đi làm xin chữ Danh. Xin cho gia đình thường là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm An.


Các ông đồ đều nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ - Ảnh: Dương Thanh.

Nhiều người thích xin chữ Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn chịu...) nhưng không phải chữ này hợp với mọi người bởi mỗi người lại có cái lý riêng để xin chữ Nhẫn.

Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi sẽ giết chết cá tính và khiến con người trở nên ù lì.


Theo ông đồ Nguyễn Học (Ba Đình, Hà Nội), người thành đạt xin chữ Nhẫn để cầu tỉnh táo. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn. Thanh niên nam nữ xin chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung. Tặng bố mẹ xin chữ: Tâm, An Khang, Bình An.

Ông đồ Nguyễn Học cũng cho biết, đầu năm xin chữ Thọ để mừng các cụ cao tuổi. Các bạn trẻ thường xin chữ Trí tuệ, Chí hướng, Minh, Thành để cầu học hành tấn tới. Ngoài ra còn có chữ Việt, chữ Đác cũng là những chữ hay được xin đầu năm.

Ngoài ra, nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ “May mắn”; hoặc sau một hồi trò chuyện, ông đồ nhận thấy người này cần hơn cả là phải biết chăm sóc mẹ mình nhiều hơn để thực sự được an lòng, ông sẽ cho chữ Hiếu.

Theo Dân Việt
Read more…

30 địa điểm bắn pháo hoa tết nguyên đán ất mùi tại Hà Nội 2015

Theo Kế hoạch số 225/KH-UBND về tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 vừa được UBND TP.Hà Nội ban hành, sẽ có 31 trận địa/30 điểm bắn pháo hoa gồm 6 trận địa bắn tầm cao và 25 điểm tầm thấp.



Theo đó, các điểm tầm cao sẽ là tại hồ Hoàn Kiếm (2 địa điểm trước bưu điệnvà trước trụ sở báo Hà Nội mới), Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm).

25 điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm các quận: Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Phọ, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.

Vị trí cụ thể do UBND các quận, huyện, thị xã xác định. Thời lượng bắn pháo hoa 15 phút, thời điểm bắn từ 0h đến 0h15 ngày 19/2/2015 (giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015)

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đặt yêu cầu việc tổ chức bắn pháo hoa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị trước, trong và sau khi bắn.

Cùng trong kế hoạch chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, Thường trực thành ủy Hà Nội chấp thuận kế hoạch bắn pháo hoa tầm cao tại 5 điểm trung tâm thành phố vào dịp Giải phóng miền nam và Quốc tế Lao động (30/4-1/5) và Ngày Quốc khánh (2/9).
Read more…

8 địa điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên Đán Ất Mùi tại TP. HCM

Với chủ đề “Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam”, đường hoa Ất Mùi (năm 2015) sẽ được dời qua trục đường Hàm Nghi (Q.1, TP. HCM) do đường Nguyễn Huệ đang tổ chức thi công phố đi bộ.

Theo đó, đường hoa Ất Mùi chính thức phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn từ 19h ngày 16 và kéo dài đến 22h ngày 22/2/2015 (tức 28 tháng Chạp đến mùng 4 tết).


Năm nay đường hoa sẽ được tổ chức ở đường Hàm Nghi.

Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004. Đến nay, sự kiện này bước sang tuổi thứ 11 (từ Tết Tân Mão 2011 có thêm đường sách), đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP HCM mỗi dịp xuân về. Mỗi năm, đường hoa này mang một chủ đề khác nhau, thu hút hàng triệu người dân và du khách tham quan, chụp ảnh trong những ngày Tết.

Ông Lê Tôn Thanh, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch TP. HCM cho biết kế hoạch tổ chức đèn đường và bắn pháo hoa dự kiến duy trì trong ba thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2015.

Giao thừa Tết Dương lịch sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại hai điểm, tòa nhà 68 tầng của Tập đoàn Bitexco (đường Hồ Tùng Mậu, Q.1) và khu vực Đầm Sen (Q.11). Đặc biệt việc bắn pháo hoa tại tòa nhà Bitexco kết hợp với trình diễn ánh sáng nghệ thuật với kinh phí dự kiến lên đến khoảng 1,5 triệu USD.



Dự định tại thời khắc giao thừa Ất Mùi, TP. HCM sẽ có 8 điểm bắn pháo hoa bao gồm: Hầm Thủ Thiêm (phía quận 2), tòa nhà Bitexco (quận 1), Công viên Đầm Sen (quận 11), Trung tâm văn hóa quận 12, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9), Khu di tích Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Khu Láng Le – Bàu cò (huyện Bình Chánh), và huyện Cần Giờ.

Cùng với đó, vào thời điểm Tết Nguyên Đán, Tết Dương lịch, sẽ có 10 tuyến đường trên địa bàn TP được chọn trang trí ánh sáng nghệ thuật, mỗi tuyến đường thể hiện một chủ đề riêng biệt. Trong đó có tuyến Trường Sơn - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt - Bến Vân Đồn… Tất cả hệ thống đèn nghệ thuật trên 10 tuyến đường sẽ được duy trì 15-25 ngày.

Theo ông Thanh, toàn bộ việc tổ chức đèn đường cũng như bắn pháo hoa sẽ được TP thống nhất vận động xã hội hóa để thực hiện. “Nếu công tác vận động thuận lợi vẫn có thể tăng điểm bắn pháo hoa”, ông Thanh nói.
Read more…

Công bố điểm bắn pháo hoa dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

Các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh.... vừa lần lượt công bố thời gian, địa điểm tổ chức bắn pháo hoa, chào đón giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015

Bắn pháo hoa Tết Ất Mùi 2015 tại Đà Nẵng

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 Đà Nẵng sẽ tổ chức có 4 địa điểm bắn bắn pháo hoa, bao gồm: tại quận Hải Châu là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; điểm bắn tại quận Ngũ Hành Sơn là Sân vận động của quận; điểm bắn tại quận Liên Chiểu là bãi đất trống trước Trung tâm Hành chính quận và điểm bắn tại huyện Hòa Vang là tại Đài Tưởng niệm của huyện.

Thời gian bắn 15 phút bắt đầu từ 0h00 đến 0h15 ngày 19/2/2015 (mùng 1 tết Âm lịch Ất Mùi) sẽ có tổng cộng 2.000 quả pháo chia đều cho 4 điểm bắn. Ngoài ra, đặc biệt tại điểm bắn số 1 trên cầu Nguyễn Văn Trỗi còn có thêm 100 giàn pháo tầm thấp.

Bắn pháo hoa Tết Ất Mùi 2015 tại Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa có văn bản đồng ý cho 2 thành phố và 1 huyện trực thuộc tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong dịp đón giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai.

Theo đó, các điểm này sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào lúc 0 giờ đêm giao thừa với thời lượng không quá 15 phút tại địa điểm thích hợp.

Đặc biệt, về kinh phí, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương không được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc vận động sự đóng góp của nhân dân mà phải được thực hiện bằng nguồn vận động tài trợ. 



Bắn pháo hoa Tết Ất Mùi 2015 tại Bình Thuận

Sở VH, TT & DL Bình Thuận đã có công văn báo cáo, xin phép UBND tỉnh về việc bắn pháo hoa tầm thấp đón giao thừa Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 sắp tới. Theo sở này, có 8 huyện, thị xã trong toàn tỉnh đăng ký bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa, tạo không khí phấn khởi mừng xuân mới.

Địa điểm cụ như sau: Tuy Phong tổ chức tại Trung tâm Công viên văn hóa huyện (thị trấn Liên Hương), Bắc Bình bắn pháo hoa ngay thị trấn Chợ Lầu, Hàm Thuận Bắc tại Trung tâm UBND huyện, Hàm Thuận Nam tổ chức tại thị trấn Thuận Nam, Hàm Tân bắn pháo hoa trong khu vực thị trấn Tân Minh, Phú Quý tổ chức tại Trung tâm UBND huyện đảo, còn thị xã La Gi tại KDC Nguyễn Thái Học - phường Tân An.

Riêng TP. Phan Thiết đăng ký tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp ở 2 điểm tại cầu Lê Hồng Phong và Đồi Cát bay Mũi Né (theo nguyện vọng của các doanh nghiệp trên địa bàn).

Bắn pháo hoa Tết Ất Mùi 2015 tại Tây Ninh

UBND tỉnh vừa có văn bản về việc chấp nhận cho các huyện: Hoà Thành, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. 

UBND tỉnh giao các huyện, thành phố thành lập ban tổ chức, xây dựng kế hoạch và chọn địa điểm bắn pháo hoa, lưu ý bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ và an toàn giao thông. Khi vận động các doanh nghiệp hỗ trợ chi phí cho địa phương bắn pháo hoa, lưu ý tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp cho hoạt động chung của xã hội; tránh dư luận xấu, làm mất đi ý nghĩa của việc đóng góp giúp nhân dân vui xuân, đón tết.

Nguồn : vietq.vn
Read more…

Sức Khỏe Gia Đình
Mẹo Vặt
Sự Kiện

SẢN PHẨM Y KHOA